Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

HƯỚNG DẪN....

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
BCH TỈNH BẮC GIANG
*
Số: 34 HD/TĐ

Bắc Giang, ngày 21 tháng 4 năm 2010

HƯỚNG DẪN
Thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên giai đoạn 2010 - 2012

Căn cứ Kế hoạch số: 80-KH/TWĐTN ngày 03/03/2009 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về việc “Thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên trong thời kỳ mới”; nhằm đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ Bắc Giang học tập và làm theo lời Bác”, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bắc Giang hướng dẫn thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên giai đoạn 2010 - 2012 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
- Nâng cao nhận thức và tăng cường hành động của người đoàn viên trong thời kỳ mới; phát huy vai trò chủ đạo, sáng tạo và ý thức trách nhiệm của đoàn viên với quê hương, đất nước; tình nguyện thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; nâng cao khả năng đoàn kết tập hợp thanh niên.
- Tạo môi trường giúp đoàn viên tự tu dưỡng, rèn luyện để ngày càng hoàn thiện hơn, thực sự là người công dân tốt, người bạn tốt của thanh niên, là tấm gương tốt của thiếu niên, nhi đồng, có uy tín trong tập thể thanh niên và ở cộng đồng dân cư.
- Nội dung và hình thức thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên phải đảm bảo tính thực tiễn, phù hợp với điều kiện của từng khu vực trên địa bàn tỉnh, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Bắc Giang học tập và làm theo lời Bác”. Đối với đoàn viên là học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên phải gắn với việc đánh giá kết quả rèn luyện học sinh, sinh viên theo quy chế và quy định của nhà trường.
- Kết quả thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên là tiêu chí để đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đoàn và việc phân loại đoàn viên cuối năm.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN:
1. Thực hiện rèn luyện theo 5 tiêu chí:
1.1. Giàu lòng yêu nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa: Hiểu biết những nội dung sau:
- Lịch sử truyền thống, văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam thông qua Cuộc vận động “Dân ta phải biết sử ta”, lịch sử và truyền thống của tỉnh Bắc Gang, của địa phương, đơn vị.
- Hệ thống chính trị Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đường lối chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, an ninh quốc phòng theo các chủ trương, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Tư tưởng, tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử, vai trò và sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, các chủ trương, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay.
- Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và Đội TNTP Hồ Chí Minh.
- Những kiến thức, chủ trương về đường lối và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn hiện nay.
1.2. Đoàn kết, thân ái, vì cộng đồng: Tham gia và thực hiện những nội dung sau:
- Cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp”, phấn đấu đạt các danh hiệu Người tốt việc tốt, Người con hiếu thảo, Thanh niên tình nguyện.
- Các hoạt động tình nguyện tại địa phương, đơn vị và chi đoàn đang sinh hoạt, học tập, công tác; các hoạt động cộng đồng, chăm lo thiếu niên nhi đồng.
- Nhiệm vụ của người đoàn viên, tham gia xây dựng chi đoàn, tổ chức cơ sở Đoàn vững mạnh.
- Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong đời sống hằng ngày tại nơi cư trú, học tập, lao động, công tác.
1.3. Sống văn hoá, tuân thủ pháp luật: Tham gia và thực hiện những nội dung sau:
- Nếp sống văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
- Cuộc vận động “4 xây, 3 chống” trong thanh thiếu nhi: xây dựng ý thức công dân, tinh thần tình nguyện, lòng hiếu học, yêu lao động; chống lối sống ích kỷ, lạc hậu, vô văn hóa.
- Nội dung cơ bản của các luật, pháp lệnh có liên quan đến thanh niên và hoạt động của cơ quan, đơn vị nơi đoàn viên đang học tập, công tác; chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên, một số trình tự, thủ tục pháp lý để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của thanh thiếu nhi.
1.4. Giàu tri thức, có sức khoẻ, kỹ năng: Tham gia và thực hiện những nội dung sau:
- Xây dựng tác phong công nghiệp hiện đại, lối sống văn hóa trong lao động sản xuất, công tác, học tập, sinh hoạt, giao tiếp ứng xử, quan hệ xã hội, tình bạn, tình yêu.
- Đi đầu trong việc thực hiện chương trình cải cách hành chính, cải tiến quy trình xử lý công việc, xây dựng phong cách làm việc khoa học, gần dân, hiểu dân và tôn trọng người dân; tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào “3 trách nhiệm”: trách nhiệm với nhân dân, trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với bản thân.
- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn minh công sở: Xây dựng tác phong phù hợp, năng động trong sản xuất, kinh doanh và phục vụ; văn minh nơi làm việc, thực hành tiết kiệm.
- Thường xuyên học tập và trau dồi ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp.
- Có những việc làm cụ thể nhằm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập chính đáng. Tích cực tham gia triển khai chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
- Tích cực tham gia trao đổi thông tin, viết bài tham luận về tổ chức Đoàn, Hội, Đội trên các diễn đàn, website…, viết cảm nhận sau các hoạt động, sự kiện theo sự định hướng của tổ chức Đoàn, Hội và tuân thủ Pháp luật của Việt Nam.
1.5. Tự tin, bản lĩnh trong hội nhập: Tham gia và thực hiện những nội dung sau:
- Tự rèn luyện nâng cao kiến thức, tay nghề phục vụ công tác chuyên môn.
- Chủ động đăng ký tự học tập nhằm nâng cao trình độ kiến thức, hiểu biết về văn hóa - xã hội, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng thực hành xã hội….
- Có những việc làm cụ thể nhằm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập chính đáng. Tích cực tham gia triển khai chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
- Sẵn sàng nhận những nhiệm vụ mới, khó khăn, đột phá vào những lĩnh vực mới góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
- Tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực được phân công.
- Rèn luyện kỹ năng trong các hoạt động xã hội, hoạt động tập thể trong giao tiếp, ứng xử, trong múa, hát và tổ chức trò chơi tập thể. Nâng cao kỹ năng trong công tác quốc tế thanh niên, kỹ năng thực hành xã hội.
- Tích cực tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
2. Thực hiện hành động theo 10 tiêu chí: Các hành động rèn luyện của đoàn viên là những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả trong đời sống hàng ngày. Qua đó giúp đoàn viên tự rèn luyện, tu dưỡng và trưởng thành hơn, góp phần vào sự phát triển quê hương Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung. Người đoàn viên cần rèn luyện những nội dung trong năm như sau:
2.1. Sẵn sàng giới thiệu về lịch sử, truyền thống của quê hương, đất nước, địa phương, đơn vị với bạn bè trong và ngoài nước. Cụ thể là tích cực, chủ động tham gia các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống quê hương, đất nước; tham quan các bảo tàng lịch sử, các hoạt động giao lưu văn hóa với bạn bè trong và ngoài tỉnh,…
2.2. Sẵn sàng đảm nhận những việc khó, việc mới. Cụ thể như chủ động, tích cực tham gia thực hiện cải tiến quy trình sản xuất, nghiên cứu ứng dụng những kiến thức khoa học công nghệ mới vào sản xuất, sắp xếp công việc khoa học, giải quyết các công việc tồn đọng nhiều năm liền, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phấn đấu đạt các danh hiệu lao động hàng năm, nhận những nhiệm vụ khó, mới trong công việc, chấp hành sự phân công và điều động của tổ chức khi cần thiết …
2.3. Sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Cụ thể như giúp đỡ người già, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chủ động, tích cực quyên góp và tham gia ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ, vận động trẻ em bỏ học đến trường, …
2.4. Xung kích tham gia các hoạt động tình nguyện. Cụ thể như xung kích tham gia các hoạt động hiến máu nhân đạo, các hoạt động tình nguyện ngay tại địa phương, đơn vị, tham gia các hoạt động xã hội do các cấp bộ Đoàn - Hội tổ chức…
2.5. Xung kích thực hiện nếp sống lành mạnh, văn minh, phòng chống tệ nạn xã hội. Cụ thể như thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định, tham gia nhắc nhở những hành động vi phạm nếp sống văn minh nơi đô thị, tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt hàng ngày, tham gia tích cực các hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội,…
2.6. Xung kích bảo vệ môi trường sinh thái. Cụ thể như thực hiện và vận động mọi người thực hiện vệ sinh, tạo mảng xanh, bảo vệ môi trường nơi lao động, học tập, công tác; bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng (không hút thuốc, không khạc nhổ bừa bãi…), …
2.7. Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn. Cụ thể như tham gia học tập các lớp tìm hiểu, trang bị kỹ năng thực hành xã hội, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, trình độ văn hóa, ngoại ngữ, tin học của bản thân, trang bị kỹ năng, kiến thức trong quá trình hội nhập…
2.8. Thường xuyên rèn luyện nâng cao sức khoẻ; kỹ năng sống tích cực. Cụ thể như thường xuyên luyện tập ít nhất 1 môn thể dục thể thao, rèn luyện thể chất để nâng cao sức khỏe, duy trì phong trào rèn luyện sức khỏe, luyện tập thể dục thể thao trong đoàn viên thanh thiếu nhi tại địa phương, đơn vị….
2.9. Thường xuyên vận động thanh thiếu nhi tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội, giới thiệu được thanh niên vào tổ chức Đoàn. Cụ thể như thực hiện công tác phát triển đoàn viên, hội viên mới, vận động thiếu nhi tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội, Đội tổ chức, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn tại nơi cư trú.
2.10. Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Cụ thể như chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ, đảm bảo thực hiện các quy định về an toàn lao động, chấp hành đúng pháp luật, quy định trong quá trình thực hiện các công việc được giao, chủ động tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đoàn viên thanh niên và quần chúng nhân dân,…
III. QUY TRÌNH TRIỂN KHAI:
1. Đối với huyện Đoàn, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc:
1.1. Bước 1: Triển khai, hướng dẫn.
Hằng năm, Ban Thường vụ huyện Đoàn, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên cụ thể của đơn vị, tổ chức Hội nghị triển khai đến các cơ sở đoàn, gắn với các nội dung triển khai thực hiện chương trình công tác năm của đơn vị:
*Thời gian hoàn thành việc đăng ký:
+ Khu vực địa bàn dân cư, lực lượng vũ trang, công chức, công nhân lao động: trước ngày 15/02 hàng năm.
+ Khu vực trường học: trước ngày 15/10 hàng năm.
*Thời gian hoàn thành đánh giá kết quả:
+ Khu vực địa bàn dân cư, lực lượng vũ trang, công chức, công nhân lao động: trước ngày 01/11 hàng năm.
+ Khu vực trường học: trước ngày 01/5 hàng năm.
1.2. Bước 2: Định hướng các nội dung thực hiện.
- Trên cơ sở 5 tiêu chí rèn luyện và 10 tiêu chí hành động, Ban Thường vụ các huyện Đoàn, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc xây dựng các nội dung định hướng rèn luyện cho đoàn viên, gắn với những hành động, công việc cụ thể thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Bắc Giang học tập và làm theo lời Bác”, tạo điều kiện để cơ sở Đoàn tổ chức cho đoàn viên tham gia thực hiện tốt Chương trình Rèn luyện đoàn viên.
1.3. Bước 3: Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện.
- Tổ chức kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn và đôn đốc cơ sở thực hiện định kỳ 06 tháng, 1 năm.
- Có biện pháp tháo gỡ khó khăn, đề ra các giải pháp hiệu quả, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của cơ sở, đặc biệt là cấp chi đoàn.
1.4. Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện và tuyên dương, khen thưởng.
- Đánh giá mức độ hoàn thành việc thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên của các cơ sở Đoàn, kịp thời biểu dương, khen thưởng các cơ sở đoàn và đoàn viên tiêu biểu, có nhiều thành tích trong thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên và tham gia tốt phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương, đơn vị.
2. Đối với Đoàn cơ sở:
2.1. Bước 1: Hướng dẫn, triển khai.
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình triển khai đăng ký, tổ chức thực hiện và các phương pháp đánh giá việc thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên cho Ban Chấp hành các chi đoàn.
2.2. Bước 2: Tổ chức thực hiện.
- Hướng dẫn chi đoàn tổ chức triển khai, định hướng các loại tài liệu để chi đoàn chủ động sưu tầm và tìm hiểu, giúp đoàn viên thực hiện nội dung 05 tiêu chí rèn luyện như tọa đàm, diễn đàn thanh niên, thi hái hoa dân chủ theo các chủ đề, thông qua các Trang thông tin điện tử, các diễn đàn trên internet, mạng xã hội…
- Thành lập các câu lạc bộ, đội nhóm thanh niên tình nguyện ở cơ sở và tổ chức thực hiện có chất lượng các công trình, phần việc thanh niên, qua đó tạo môi trường cho đoàn viên tham gia thực hiện theo các tiêu chí đã đăng ký.
- Thường xuyên theo dõi quá trình thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chấn chỉnh việc triển khai thực hiện ở các chi đoàn.
- Tạo điều kiện và động lực khuyến khích đoàn viên tự rèn luyện, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn tại nơi cư trú.
2.3. Bước 3: Kiểm tra, đánh giá.
Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các chi đoàn trong việc triển khai thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên, theo dõi tình hình đăng ký và thực hiện việc rèn luyện của đoàn viên (thông qua việc trực tiếp tham dự các hoạt động hoặc kiểm tra sổ sách, các biểu mẫu liên quan đến việc thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên). Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên của chi đoàn theo định kỳ 06 tháng, 01 năm.
3. Đối với chi đoàn, chi đoàn cơ sở:
3.1. Bước 1: Triển khai.
Tổ chức sinh hoạt chi đoàn quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung của Chương trình Rèn luyện đoàn viên, gợi ý, hướng dẫn đoàn viên các nội dung rèn luyện phù hợp với trình độ và khả năng của đoàn viên để đăng ký theo các nội dung tiêu chí rèn luyện và hành động gắn với Cuộc vận động “Tuổi trẻ Bắc Giang học tập và làm theo lời Bác”.
3.2. Bước 2: Đăng ký.
- Ban Chấp hành chi đoàn, chi đoàn cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị có các hình thức tổ chức cho đoàn viên đăng ký. Khuyến khích các hình thức triển khai, đăng ký sáng tạo, phù hợp với tình hình tại đơn vị (có thể triển khai đăng ký bằng sổ, bằng phiếu trực tiếp hoặc qua mạng), tuy nhiên phải đảm bảo theo nguyên tắc sau: Mỗi đoàn viên phải tự đăng ký thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên, có giải pháp thực hiện cụ thể theo những tiêu chí rèn luyện và hành động, chi đoàn có trách nhiệm thẩm định nội dung đăng ký, định hướng, đôn đốc nhắc nhở và kiểm tra, đánh giá công nhận kết quả thực hiện của mỗi đoàn viên.
- Ban Chấp hành chi đoàn tổng hợp và lưu giữ các phiếu hoặc sổ đăng ký rèn luyện của đoàn viên để theo dõi và kiểm tra tình hình thực hiện của đoàn viên, có thể thiết kế để treo bản đăng ký của từng đoàn viên tại vị trí trang trọng, nơi thường xuyên diễn ra sinh hoạt của chi đoàn để tạo động lực và nâng cao ý thức rèn luyện của mỗi đoàn viên.
- Các nội dung rèn luyện phải đảm bảo yêu cầu phấn đấu của mỗi đoàn viên, nhưng cần vừa sức, trên cơ sở có sự thống nhất với đoàn viên. Trong trường hợp đoàn viên chưa tự đề ra nội dung rèn luyện phù hợp thì Ban Chấp hành chi đoàn cần hướng dẫn gợi ý.
3.3. Bước 3: Hỗ trợ thực hiện
Ban Chấp hành chi đoàn cung cấp tài liệu, tổ chức sinh hoạt và các hoạt động khác nhằm tạo môi trường và điện kiện để giúp đoàn viên thực hiện nội dung rèn luyện đã đăng ký. Định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, Ban Chấp hành chi đoàn cần trao đổi với đoàn viên về các nội dung rèn luyện để động viên, nhắc nhở, giúp đỡ đoàn viên thực hiện tốt các nội dung đã đăng ký. Ban Chấp hành chi đoàn phân công các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành chi đoàn theo dõi, hướng dẫn các đoàn viên để đạt hiệu quả cao trong thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên.
3.4. Bước 4: Kiểm tra và đánh giá công nhận
- Ban Chấp hành chi đoàn tổ chức kiểm tra đánh giá và công nhận kết quả rèn luyện của đoàn viên trong từng giai đoạn 06 tháng, 01 năm.
- Mỗi nội dung đăng ký có thang điểm từ 01 điểm đến 10 điểm. Tuỳ theo mức độ hoàn thành, đoàn viên sẽ tự chấm ở mức điểm phù hợp. Ban Chấp hành chi đoàn đánh giá kết quả rèn luyện của đoàn viên theo các nội dung đã đăng ký và thực hiện, tiến hành phân tích chất lượng đoàn viên và gửi kết quả về Đoàn cấp trên.
4. Đối với đoàn viên:
4.1. Bước 1: Đăng ký
- Mỗi đoàn viên chủ động đăng ký, rèn luyện theo các tiêu chí với các chủ đề, chủ điểm, các hoạt động phong trào theo hướng dẫn của Ban Chấp hành chi đoàn ở mỗi giai đoạn nhất định.
- Mỗi đoàn viên thực hiện phiếu đăng ký nội dung thực hiện theo định hướng và gợi ý của Đoàn cơ sở và Ban Chấp hành chi đoàn.
- Mỗi nội dung đăng ký phải đề ra giải pháp thực hiện trong năm.
* Lưu ý: Đoàn viên phải lưu lại nội dung đã đăng ký để theo dõi quá trình rèn luyện và phải gửi cho Ban Chấp hành chi đoàn để theo dõi theo quy định.
4.2. Bước 2: Rèn luyện.
- Chủ động thực hiện theo các nội dung đã đăng ký bằng những việc làm cụ thể như tham gia các hoạt động theo các tổ, nhóm, câu lạc bộ thanh niên, tham gia các hoạt động, các nội dung công tác do Ban Chấp hành chi đoàn phân công, hoặc các công trình, phần việc thanh niên do Đoàn, Hội tổ chức.
- Thực hiện tốt các quy định sinh hoạt của chi đoàn, tự giác rèn luyện, phấn đấu trong học tập, lao động, công tác, tích cực vận động thanh niên tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội, bồi dưỡng, giới thiệu thanh niên tiên tiến vào Đoàn.
- Chủ động trao đổi ý kiến với các đoàn viên trong chi đoàn hoặc đề nghị Ban Chấp hành chi đoàn giúp đỡ để thực hiện các nội dung đã đăng ký rèn luyện.
4.3. Bước 3: Tự đánh giá kết quả thực hiện.
- Đoàn viên đánh giá mức độ rèn luyện các nội dung đã đăng ký, báo cáo kết quả thực hiện từng tiêu chí rèn luyện và hành động, lượng hoá bằng điểm theo thang điểm từ 1 điểm đến 10 điểm, cộng kết quả về rèn luyện và hành động để đánh giá mức độ hoàn thành Chương trình Rèn luyện đoàn viên.
- Đoàn viên gửi kết quả tự nhận xét về Ban Chấp hành chi đoàn. Ban Chấp hành chi đoàn họp để nhận xét từng đoàn viên, tổ chức họp chi đoàn để đánh giá thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên và tiến hành phân tích chất lượng đoàn viên đối với mỗi đoàn viên trong chi đoàn (có thể bỏ phiếu kín). Kết quả đánh giá thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên đồng thời là kết quả phân tích chất lượng đoàn viên hằng năm. Cụ thể.
- Đoàn viên xuất sắc: Phải thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên đạt từ 85% tổng số điểm trở lên đối với các nội dung đã đăng ký thực hiện
- Đoàn viên Khá: Phải thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên đạt từ 70% tổng số điểm trở lên đối với các nội dung đã đăng ký thực hiện.
- Đoàn viên Trung bình: Phải thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên đạt từ 50% tổng số điểm trở lên đối với các nội dung đã đăng ký thực hiện.
- Đoàn viên Yếu: Thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên đạt dưới 50% tổng số điểm đối với các nội dung đã đăng ký thực hiện, hoặc đoàn viên thiếu ý thức, không đăng ký thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Chi đoàn có thể áp dụng thang điểm cộng, thang điểm trừ nhằm giáo dục, khuyến khích đoàn viên trong một số điều kiện, cụ thể như sau:
- Điểm cộng: Đối với những đoàn viên có thành tích vượt bậc trong học tập, lao động, công tác, rèn luyện, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở… thì được cộng thêm tối đa là 10 điểm trên tổng số điểm thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên của từng đoàn viên.
- Điểm trừ: Đối với những đoàn viên vi phạm quy chế, quy định cơ quan, đơn vị, vi phạm quy chế học tập, thi cử; không tham gia sinh hoạt đoàn, bị các hình thức kỷ luật khác thì trừ điểm tối đa là 10 điểm trên tổng số điểm thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên của từng đoàn viên.
Trên đây là Hướng dẫn thực hiện Chương trình Rèn luyện đoàn viên trong giai đoạn 2010 - 2012, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đề nghị các huyện Đoàn, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc chủ động xây dựng nội dung kế hoạch và triển khai, tổ chức thực hiện đến tận chi đoàn và đoàn viên./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư, Ban Tổ chức, Ban Quốc tế, Ban Kiểm tra, Văn phòng Trung ương Đoàn (B/c);
- TT Tỉnh Đoàn;
- Các huyện Đoàn, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc (T/h);
- Web Tỉnh Đoàn;
- Các ban, đơn vị, cán bộ Tỉnh Đoàn (bản điện tử);
- Lưu: VT, TH, Ban TCKT.
T.M BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ĐOÀN
BÍ THƯ

Đã ký



Mai Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét